top of page

[BÀI DỊCH] Những phẩm chất quan trọng nhất của người bác sĩ

  • Writer: Nguyen Quoc Bao
    Nguyen Quoc Bao
  • Feb 23, 2023
  • 6 min read

Updated: Apr 21, 2024

dịch bởi Bảo và bác sĩ Văn Trí - ngày 23 tháng 2 năm 2023 (đã được đăng trên Facebook bác sĩ Văn Trí ngày 16 tháng 7 năm 2022)


Văn bản gốc: The Most Important Qualities for the Good Doctor của bác sĩ Joseph S. AlpertWilliam H. Frishman trên tạp chí The American Journal of Medicine. Bài dịch đã được sự đồng ý của nhóm tác giả.


Gần đây, trong buổi giao ban bệnh nội trú thuộc khoa Nội Tổng quát, một người trong chúng tôi hỏi những bác sĩ nội trú và sinh viên rằng phẩm chất quan trọng nhất ở một bác sĩ giỏi là gì. Không quá ngạc nhiên khi hầu hết đều cho rằng yếu tố quan trọng nhất là một nền tảng kiến ​​thức rộng và chuyên sâu về nội khoa. Tại sao không có gì đáng ngạc nhiên? Câu trả lời khá đơn giản. Đó là vì chúng ta thường xuyên kiểm tra sinh viên và bác sĩ nội trú chất lượng kiến thức nội khoa và cách họ ứng dụng chúng lên lâm sàng. Các bác sĩ nội trú sau đó được cho biết rằng đó có thể là một câu trả lời hợp lý, nhưng không phải là phẩm chất cần thiết nhất ở một bác sĩ giỏi. Đối với tôi (bác sĩ Joseph S. Alpert, JSA), tôi cho rằng đức tính quan trọng nhất của một bác sĩ giỏi là sự tử tế và sự đồng cảm. Tại sao đây là yếu tố quan trọng nhất theo tôi? Bởi vì kiến ​​thức thuần tuý nếu không đi kèm sự tử tế và đồng cảm - những đặc tính quan trọng tạo nên một con người - sẽ dẫn đến việc bác sĩ không hiểu được những gì bệnh nhân đang trải qua và cũng sẽ không thể thiết lập được mối quan hệ bền vững và ân cần với người bệnh.


Tất nhiên, sự đồng cảm và sự tử tế không giống nhau, nhưng chúng tôi hy vọng rằng một "bác sĩ tốt" sẽ sở hữu được cả hai phẩm chất đó. Đồng cảm là quá trình xử lý não bộ mà một người có thể thấu hiểu được hoàn cảnh của người khác, chẳng hạn như sự đau đớn và nỗi khổ của họ, qua đó đối xử với người này với sự cảm thông. Hành động này rõ ràng cần đến năng lực lý trí của não bộ. Sự tử tế là một phần tính cách của con người và có thể chịu sự ảnh hưởng nhất định từ di truyền. Tuy nhiên, nó thường là kết quả của quá trình giáo dục và những bài học thời thơ ấu. Chúng tôi nhớ như in rằng cha mẹ chúng tôi thường xuyên khuyên chúng tôi phải "tử tế với mọi người và động vật." Theo tôi, những bác sĩ giỏi nhất là những người sở hữu một “lượng đủ lớn” cả sự đồng cảm và sự tử tế trong tế bào thần kinh của họ! Sự đồng cảm và tử tế đặc biệt cần thiết khi tiếp xúc với những bệnh nhân khó tính.


Bệnh nhân khó tính đến với chúng ta trong nhiều tình huống. Ví dụ, có những người cho rằng không có bác sĩ nào có thể giúp họ khỏi bệnh, hoặc tất cả các bác sĩ, trên thực tế, đều là “kẻ làm thuê” cho ngành công nghiệp dược phẩm. Chúng tôi chắc chắn rằng nhiều bác sĩ khi đối mặt với bệnh nhân như vậy sẽ cố gắng kết thúc cuộc hẹn càng nhanh càng tốt. Đôi khi, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng cách tiếp cận sau đây thường mang lại hiệu quả: Đầu tiên, chúng tôi lắng nghe nỗi khổ của bệnh nhân, điều mà có lẽ họ vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Sau đó, chúng tôi từ tốn chia sẻ góc nhìn của chúng tôi về vấn đề của họ và cách chúng tôi có thể tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề đó. Một lần thăm khám thường là không đủ đối với những bệnh nhân khó tính này, nhưng thông qua tái khám định kỳ, một số phương pháp trị liệu có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh nhân. Suốt quãng thời gian dài hành nghề y, chúng tôi đã đối mặt với một số bệnh nhân “khó tính” như thế này, những người mà khi được tiếp cận theo cách tôi đề cập ở trên, họ trở thành những bệnh nhân gắn bó lâu dài. Hãy nhớ rằng trau dồi một lượng kiến ​​thức sâu rộng là điều kiện cần của bác sĩ để đưa ra quyết định có lợi cho người bệnh. Chỉ có sự đồng cảm và tử tế không thôi là chưa đủ. Tuy nhiên, để tiến đến giai đoạn mà bệnh nhân sẵn sàng làm việc với bác sĩ, người bác sĩ đó cần mở đầu với một “liều lượng đáng kể” sự tử tế và đồng cảm. Những bệnh nhân được cho là “khó tính” thường có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp, thậm chí là đau buồn, và không thể thiết lập mối quan hệ điều trị nào cho đến khi người đó nhận ra rằng, bác sĩ thấu hiểu nỗi khổ của họ và đưa ra sự giúp đỡ tử tế.


Một câu hỏi thú vị là liệu sự đồng cảm và tử tế có thể dạy được hay không. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu về vấn đề này và câu trả lời hiển nhiên là “Có.”[1,2,3] Ngày nay, các chương trình giảng dạy y khoa tại Hoa Kỳ nỗ lực dạy cho sinh viên rằng việc thấu hiểu cảm xúc của bệnh nhân có thể thúc đẩy quá trình hồi phục của họ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, sự trấn an thường giúp ích cho bệnh nhân một khi bác sĩ hiểu điều gì đang xảy ra với họ. Một thành viên trong chúng tôi đã từng thông báo cho một người vợ rằng chồng cô ấy bị nhồi máu cơ tim và đang hồi phục tốt. Cô ấy đã bật khóc và không thể kìm nén được cảm xúc; cô ấy chia sẻ rằng cô đã gây nhồi máu cơ tim cho chồng mình khi cho anh ấy ăn xúc xích vào bữa tối. Khi nỗi bận tâm của cô ấy được lắng nghe đi kèm với lời giải thích, việc trấn an đã giúp cô ấy hiểu rằng ăn xúc xích không gây ra bệnh cho chồng cô. Sự trấn an này đã có tác dụng rất tích cực, và sau đó, cô đã có thể hỗ trợ chồng mình rất hiệu quả trong quá trình phục hồi chức năng tim sau khi xuất viện. Bàn luận về sự tử tế, đức tính này cũng có thể học được sao? Rõ ràng là sự tử tế cũng có thể học được, nhưng phần lớn các nghiên cứu trong lĩnh vực này tập trung vào việc dạy trẻ em về lòng tốt và nhân ái. Tuy nhiên, một người trưởng thành có thể được dạy và thực hành các hành động tử tế cho đến khi phẩm chất này trở thành một phần nhân cách của họ. Phương pháp này rất đơn giản, bao gồm một chuỗi các hành động giúp phát triển sự tử tế “từ trong tâm.” Bạn có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản như nhặt một mẩu rác trên vỉa hè bỏ vào thùng hoặc giúp đỡ người lớn tuổi qua đường. Các hành động khác có thể phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian hơn, chẳng hạn như cùng một người lớn tuổi đến siêu thị giúp họ mua sắm. Các bài báo được trích dẫn dưới đây [4,5] đã thuyết phục chúng tôi rằng thực hành sự tử tế là liệu pháp điều chỉnh hành vi mà có thể khiến nó trở thành một phần nhân cách của một con người.


Như mọi khi, tôi thích lắng nghe ý kiến của độc giả tại jalpert@email.arizona.edu hoặc trên blog của chúng tôi tại https://amjmed.org/.


Trích dẫn:

  1. Riess H The science of empathy. J Patient Exp. 2017; 4: 74-77

  2. Barth FD. Can empathy be taught? Psychology Today. Available at:https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-couch/201810/can-empathy-be-taught. Accessed October, 28, 2020.

  3. Heston K. How to teach empathy to adults. WikiHow. Available at: https://www.wikihow.com/Teach-Empathy-to-Adults. Accessed October 28, 2020.

  4. Adult ideas for kindness. Ripple Kindness Project. Available at:https://ripplekindness.org/community-project/for-adults/ideas-for-kindness/. Accessed October 28, 2020.

  5. How to be kind in our world right now. Available at: https://acts.kindness.org/initiatives. Accessed October 28, 2020.


Comentários


bottom of page